Khi nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Steihauer lần đầu đặt chân tới Hồng Kông vào năm 1994, cảnh tượng những tòa nhà chọc trời được bọc trong lưới xây dựng và giàn giáo bằng tre gợi cho ông nhớ tới những tác phẩm nghệ thuật khổng lồ của Christo và Jeanne-Claude. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, đây không phải một thứ gì đó liên quan tới nghệ thuật mà là một kỹ thuật xây dựng lâu đời nhưng vẫn được sử dụng trong một thành phố hiện đại, đang phát triển ngày càng mạnh mẽ với các tòa nhà ngày càng cao và dày đặc hơn.
Ít ai ngờ được rằng kỹ thuật xây dựng cổ xưa này lại phù hợp hoàn hảo với tình trạng phát triển theo chiều dọc tại Hồng Kông. Trong một bài báo đăng tải vào năm 2013, South China Morning Post chỉ ra rằng nhờ trọng lượng nhẹ, giàn giáo bằng tre được vận chuyển nhanh hơn và lắp ghép nhanh chóng hơn. Ngoài ra, nhờ có thể cắt một cách dễ dàng, giàn giáo tre có thể được tùy chỉnh để phù hợp với các hình khối xây dựng khác nhau và khoảng cách hẹp giữa các tòa nhà.
"So với sắt, tre rẻ hơn, lắp ghép nhanh hơn và dễ vận chuyển hơn. Mặc dù trông có vẻ thô sơ nhưng các thanh tre thực sự an toàn hơn vì chúng nhẹ hơn sát nên gây ra ít sát thương hơn nếu rơi xuống. Để xây dựng giàn giáo tre, cho cả các công trình khổng lồ như khách sạn Four Seasons, chỉ cần ba thứ: thanh tre, kéo và dây đai bằng nhựa", South China Morning Post viết.
Nhờ vậy, giàn giáo bằng tre vẫn đang tiếp tục được sử dụng và còn không ngừng tăng số lượng. Hiện tại, số lượng giàn giáo bằng tre đăng ký hoạt động tại Hồng Kông ở con số 2.800, tăng khá nhiều so với con số 1.700 trong một thập kỷ trước.
Những bức ảnh khổ lớn của Peter Steihauer làm nổi bật lên các tòa nhà được bọc trong giàn giáo bằng tre và đôi khi là bạt xây dựng đầy màu sắc. Bạt xây dựng được dùng để ngăn vật liệu rơi xuống. Những tòa nhà đang được cải tạo thường được phủ bạt bán trong suốt trong khi các tòa nhà đang bị phá hủy được bọc bạt màu xanh đậm.
Cuốn sách ảnh chụp những tòa nhà đang được bọc bởi giàn giáo tre và bạt xây dựng tại Hồng Kông của Steihauer được đặt tên là: Cocoons (có nghĩa là kén). "Khi những tấm bạt được gỡ xuống, chúng ta sẽ thấy một mặt tiền hoàn toàn mới, giống như một con bướm vừa chui ra khỏi kén vậy", Steihauer giải thích.
Trí Thức Trẻ